Thông tin về loài rùa núi vàng

 

hinh-anh-rua-nui-vang

Rùa núi vàng là loài  rùa khá điềm tĩnh và lối sống đơn giản. Tên khoa học của loài rùa này là Testudinidae. Để tìm hiểu kỹ hơn về đặc điểm và tập tính của loài rùa này, mời quý vị và các bạn đọc tiếp thông tin bên dưới.


THÔNG TIN VỀ LOÀI RÙA NÚI VÀNG


Rùa núi vàng là một loài rùa cạn thuộc họ Rùa núi, chúng thường sống ở Đông Nam Á và một phần Nam Á. Tại Việt Nam, rùa núi vàng có ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hà Nội, Hòa Bình, Tây Ninh, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông. Các bạn biết đó, các loài vật mà quen với thổ nhưỡng rồi thì việc chăm sóc sẽ không cần quá tỉ mỉ. Cùng mình bắt tay vào tìm hiểu cách nuôi dưỡng chúng thôi nào. À mà trước tiên, dạo qua vài đặc điểm của các chú rùa này đã nhé.

Đặc điểm:

Rùa núi vàng khá dễ để nhận diện với cái đầu có nhiều tấm sừng, chiếc mai gồ cao, toàn bộ mai của chúng có màu vàng, giữa mỗi tấm vảy có đốm đen. Phần yếm phía trước ngực phẳng, yếm sau lõm sâu. 4 chiếc chân như 4 cây trụ, ngòn chân dài và không có màng.

Một chú rùa núi vàng trưởng thành cũng không quá lớn, chúng chỉ dài khoảng 30 cm, nặng khoảng 3,5 kg. Con cái có xu hướng to hơn và tròn hơn con đực. Nói vậy thôi nhưng mình cũng chưa phân biệt được con đực và con cái khi chúng còn nhỏ, điều này thực sự là khó các bạn ạ.

Thông thường các loài rùa là động vật máu lạnh, chúng  luôn cần điều tiết nhiệt độ cơ thể của mình. Rùa núi vàng cũng vậy, chúng thường chọn những khu vực có nguồn nước và ánh sáng đầy đủ. 

Mùa sinh sản của rùa núi vàng thường diễn ra vào tháng 10 hoặc tháng 11 hàng năm, không như các loài rùa nước, rùa cạn đẻ khá ít các bạn ạ, mỗi lứa chúng chỉ đẻ từ 4 trứng đến 5 trứng, kích thước trứng khoảng 4 cm đến 5 cm. tập tính của rùa núi vàng là đẻ trứng và vùi trứng vào đất.

dac-diem-rua-nui-vang
Đặc điểm của rùa núi vàng. ảnh tham khảo internet


Thức ăn của rùa núi vàng

Hầu hết các loài rùa cạn đều ăn thực vật và các loại quả rụng trong rừng, rùa núi vàng cũng vậy, thức ăn khoái khẩu của chúng phải kể đến các loại rau xanh như rau cải, xà lách, rau lang,…Bên cạnh đó, rùa ăn cả trái cây như cà rốt, táo, cà chua, chuối, dưa chuột,… Tuy nhiên, chúng tiêu hóa khá chậm, vì thế không nên cho chúng ăn quá nhiều. Với rùa núi vàng baby các bạn có thể cho rùa ăn 2 ngày 1 lần, không nên cho chúng ăn các loại thức ăn chứa nhiều protein như các loại thịt, cá.. Còn rùa trưởng thành thì cứ cách 5 ngày cho ăn một lần. Mình có 1 mẹo nhỏ để nhận biết việc chúng đói đó là chúng hay đi lùng xục các ngõ ngách, khi đó thì chúng ta có thể cho chúng ăn. Đó là cá nhân mình thường áp dụng thôi nhé.

thuc-an-cua-rua-nui-vang
Thức ăn cho rùa núi vàng. ảnh tham khảo



KỸ THUẬT CHĂM SÓC RÙA NÚI VÀNG



Có nhiều bạn có hỏi mình là  nuôi rùa núi vàng có bị phạt không? Mình thì cũng không nuôi mà viết bài viết này chỉ để giúp các bạn tham khảo, tìm hiểu để có thêm kiến thức. Mình cũng khuyên các bạn không nên tìm mua Rùa núi vàng để nuôi. Vì loài này đang được liệt vào các loài động vật quý hiếm cần được bảo vệ. Việc chúng ta tìm nuôi sẽ khiến chúng càng bị săn đuổi nhiều hơn.

Làm chuồng


Những chú rùa núi vàng khá hiền lành, chúng ít vận động, bởi thế việc làm chuồng hay không mình nghĩ cũng không vấn đề gì nếu bạn có khu vực riêng cho chúng. Việc chuẩn bị 1 chiếc chuồng cũng khá đơn giản, bạn cần 1 chút mùn dừa, vừa rẻ lại vừa an toàn và sạch sẽ, thêm nữa là các chú rùa nếu không may có ăn phải thì cũng không ảnh hưởng gì tới sức khỏe của chúng ( loại này bạn có thể dễ dàng tìm mua trên mạng nhé). Định kỳ mỗi tháng bạn cần vệ sinh chuồng trại 1 lần, vật liệu lót nền (mùn dừa ) cần mang ra phơi nắng cho khô ráo. Sau đó bạn hoàn toàn có thể sử dụng lại mùn dừa cũ đã phơi.

chuong-cho-rua-nui-vang
Chuồng cho rùa núi vàng. anh tham khảo

Tắm cho rùa


Rùa núi vàng là động vật cạn vì thế công việc tắm cho rùa bạn có thể thực hiện theo định kỳ vài tuần hoặc 1 tháng 1 lần và mỗi lần chỉ nên tắm khoảng 5 phút thôi nhé. 

Chuẩn bị: 1 chiếc chậu nhỏ và một chút nước muối sinh lý.

Cánh tắm: pha nước cùng với một chút muối sinh lý vào chậu. Lượng nước trong chậu không cần quá nhiều chỉ cần cao ngang bằng với yếm rùa là vừa đủ. Các bạn chú ý Không để nước ngập quá mai hay đầu rùa có thể khiến chúng hoảng sợ hoặc nghiêm trọng hơn là nước tràn vào phổi gây viêm phổi. Té nước rửa lên xung quanh trên mai, xoa nhẹ nhàng, sau đó, rửa bên trong phần gập của chân tay xem có ký sinh trùng nào như ve, bọ mắc vào không. Hãy tiện thể kiểm tra phân rùa núi vàng xem trong đó có giun không vì trong lúc tắm, rùa thường đi vệ sinh cùng lúc.

Phơi nắng


Như ban đầu mình có nói, rùa núi vàng là loài động vật máu lạnh, chúng cần sưởi nắng để điều hòa cân bằng cơ thể. Tuy nhiên, thời gian tắm nắng không nên quá dài. Các bạn chỉ cần cho rùa phơi nắng khoảng 15 phút mỗi ngày là đủ, lâu hơn sẽ khiến da rùa bị khô hoặc rùa có thể bị cảm nắng . Thời điểm tắm nắng tốt nhất thường là vào buổi sáng, trước 9, 10 giờ sáng, đây là thời điểm ánh nắng không quá gay gắt, không có các tia cực tím có hại. Việc phơi nắng giúp rùa tổng hợp canxi tốt hơn, giúp xương chắc chắc hơn, tăng cường sức đề kháng cho rùa. Thêm nữa, được phơi nắng sẽ tốt hơn sử dụng đèn sưởi bởi da chúng sẽ hạn chế được vấn đề ẩm mốc, hệ bài tiết cũng hoạt động tốt hơn.

Giấc ngủ


Được biết đến là loài vật ham ngủ, Rùa núi vàng có thể ngủ cả ngày và chỉ dậy khi ăn và đi vệ sinh. Trong khi chúng ngủ thì bạn không nên làm phiền bởi chúng ngủ không đủ sẽ có thể ảnh hướng đến tâm lý và sức khỏe. Nhìn chung, các loài động vật đều có khả năng tự cân đối nhu cầu của cơ thể vì thế chúng ta cũng không cần quá bận tâm đến giấc ngủ của rùa núi vàng.

Thời điểm từ 9h tối – 8h sáng là thời điểm “ngủ đúng giờ” trong ngày với các chú rùa, bạn chớ có đánh thức rùa dậy, nên tắt điện và các thiết bị không cần thiết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến