Kiến thức cơ bản cho người nuôi rùa tai đỏ

rua-tai-do

Rùa tai đỏ là loài rùa nước, tên tiếng anh của chúng là Red Ear Slider Turtle. Là một loài rùa khá dễ nuôi, ngoại hình ưa nhìn, bởi thế mà được nhiều bạn trẻ chọn lựa làm thú cưng trong nhà. Theo nhiều thông tin mình tìm hiểu được thì loài rùa này có sức phá hoại rất lớn, ảnh hưởng tới môi trường sống khu vực bản địa. Vì thế nếu quyết định nuôi loài vật này các bạn hãy kiểm soát chúng thật tốt nhé. Nào giờ hãy cùng mình đi tìm hiểu về loài rùa này nhé.


TÌM HIỂU VỀ LOÀI RÙA TAI ĐỎ


Nguồn gốc rùa tai đỏ là từ Bắc Mỹ, trước kia mình chưa tìm hiểu kỹ cứ nghĩ loài này sinh sống tại khu vực Đông Á ( ngáo thật ). Chúng được chọn làm vật nuôi khá phổ biến tại nhiều nước trên Thế Giới. Chúng xuất hiện tại Việt Nam từ những năm 1995 - 2000. Đến nay, loài rùa này vẫn được khá ưa chuộng bởi giá thành rẻ và dễ nuôi.

Là loại động vật ăn tạp, thức ăn của chúng là các loài cá bé hơn và các động thực vật thủy sinh khác. Trước kia mình có nuôi 2 em và cho chúng ăn thịt lợn và thịt bò, về sau mới biết các loại thịt này khiến chúng khó tiêu hóa. Lưỡi của chúng không di động vì thế chúng chỉ có thể nuốt thức ăn khi ở dưới nước. Vấn đề này khiến việc hồ nuôi dễ bị bẩn và cần vệ sinh thường xuyên.

Cũng được xếp là loài vật thông minh, khi nuôi chúng lâu chúng sẽ quen chủ và nhận ra khi được gọi. Chúng khá nhanh nhẹn ( câu nói chậm như rùa hình như không áp dụng cho loài vật này ) chúng rất hay tò mò thích khám phá cái mới và thích có bạn cùng bầy đàn.

Cũng là loài động vật cần nhiệt độ điều chỉnh thân nhiệt, chúng thường sưởi ấm sau ăn vì thế nếu nuôi loài vật này các bạn cần chuẩn bị khu vực tắm nắng cho chúng ( mỏm đá, cành cây ven mặt nước ). Việc sưởi ẩm giúp chúng cân bằng nhiệt độ cơ thể và cũng giúp làm sạch vi khuẩn trên mai và da.

Rùa tai đỏ baby chỉ dài khoảng 1 cm, phải nói chúng thực sự dễ thương. Rùa tai đỏ max size có thể dài tới 15 - 25 cm (chiều dài này được tính theo độ dài từ điểm đầu của mai đến điểm cuối của mai rùa). Tuổi thọ của loài rùa này không cao như các loài rùa khác nhưng so với tuổi thọ con người thì cũng khá đáng lể đó. Chúng có thể sống đến 40 - 70 năm(tùy vào môi trường sống).

Loài này khá đẹp, mai chúng được phủ những đường sọc từ vàng chanh cho đến xanh đen xếp thành hình. Giữa các ngón chân đều có màng chân. Đuôi vừa phải. Càng trưởng thành màu mai của chúng sẽ ngả dần sang vàng, cuối cùng thì trở thành màu nâu ô liu hơi đậm. Bởi vậy nhiều người thường thắc mắc là rùa tai đỏ mai vàng, sao lại toàn màu xanh đen, bây giờ chắc các bạn đã có câu trả lời rồi chứ ạ.

dac-diem-rua-tai-do
Đặc điểm nhận dạng 1 chú rùa tai đỏ


Phân biệt rùa cái và rùa đực


  • Những chú rùa nhỏ rất khó để phân biệt giới tính. Chỉ khi chúng đạt 3 tuổi trở lên giới tính của chúng mới dõ dàng. Các bạn có thể dựa vào phần móng và đuôi. Con đực sẽ có phần móng dài và sắc nhọn,  đuôi dài to béo hơn Con cái.
  • Nhìn vào cơ quan bài tiết ta sẽ thấy cơ quan của rùa đực cách xa phần thân, hình lỗ dài. Ở rùa cái, cơ quan bài tiết gần với yếm, hình lỗ tròn.
  • Hoa văn ở yếm: Rùa đực thường thưa thớt trong khi vùng bụng rùa cái có hoa văn dày mà tập trung
  • Ngoài ra, các bạn có thể nhìn phần bụng chúng để phân biệt. Con đực sẽ có phần bụng hơi lõm trong khi con cái thì không.
  • Đến mùa rùa tai đỏ sinh sản, con đực sẽ có chiêu bài quyến rũ con cái bằng cách bơi ngược trước mặt và rung cặp móng chân trước. Phải nói vũ điệu đó thực sự là hấp dẫn.


CÁCH NUÔI RÙA TAI ĐỎ


Để nuôi được những chú rùa tai đỏ khỏe mạnh, các bạn cần lắm được tập tính sinh thái của chúng. Những chú rùa tai đỏ trưởng thành có thể sống ở khu vực nước sâu nhưng rùa tai đỏ baby thích “đậu” trong vùng nước nông và sống theo bầy. Chúng rất thích phơi nắng và chúng cũng phơi nắng nhiều hơn các loài rùa khác. Thời điểm ngủ đông từ tháng 11 đến tháng 3. Chúng sẽ ra khỏi ổ đi kiếm ăn vào khoảng tháng 4. Khi nhiệt độ nước vào khoảng 16 - 32 °C.


Cách chọn rùa nuôi


Những chú rùa tai đỏ baby thực sự rất dễ thương, nhưng ngoài tự nhiên bạn biết rồi đó, các con yếu thường sẽ có thân hình còi cọc hơn, đó là lý do vì sao bạn nên chọn những con có kích thước mai lưng lớn. Tốt nhất nên mua rùa có kích thước mai lưng từ 5cm trở nên.

Trước khi quyết định mua chú rùa nào bạn hãy nhờ người bán cho chúng ăn chút thức ăn. Những chú rùa khỏe mạnh sẽ có phản ứng và linh hoạt. Hãy quan sát kĩ lưỡng xem chúng có bị nghẹn khi nuốt mồi không, nếu không thì được rồi.

Trọng lượng của rùa cũng là yếu tố các bạn cần để ý. Có thể thử bằng cách cho chúng vào chậu nước xem chúng có chìm xuống đáy không. Các bạn nào chìm thì là tốt còn các bạn nổi thì đừng mua.

Hãy quan sát cẩn thận xem thân rùa có bị mốc trắng hay không, có bị lở loét, hậu môn có sạch không, mắt có sinh động không, có bị thương ở mai không, có mùi lạ không, nếu không là được. Khi đưa rùa về nhà, tốt nhất đợi chúng bài tiết chất thải 1 lần đã rồi mới bắt đầu cho rùa ăn.

cach-chon-rua-tai-do
Cách chọn rùa tai đỏ khỏe mạnh


Chuồng nuôi


Rùa tai đỏ baby khá nhỏ vì thế có thể nuôi chúng trong dụng cụ đáy phẳng như chậu nhựa, bể nuôi rùa cảnh bằng nhựa, hộp hoặc bể cá. Lượng nước trong bể chỉ khoảng 5l là đủ. Độ sâu không nên quá độ dài thân rùa, như vậy chúng sẽ dễ dàng hô hấp và di chuyển. Trong bể nên thiết kế khu vực tắm nắng ( nên là khu vực cố định để rùa con dễ leo lên ). Khi rùa lớn lên, nếu cảm thấy bể nuôi nhỏ, bạn có thể đổi khu vực nuôi để chúng có thể di chuyển nhiều hơn.


Nhiệt độ chuồng nuôi


Như mình có nói ở trên, nhiệt độ thích hợp cho chúng là khoảng 16 - 32 °C. Nhiệt độ trên  36°C chúng sẽ ngừng ăn, nếu nhiệt độ đến 40°C chúng sẽ bị yếu đi và có thể chết. Cũng tương tự nhiệt độ xuống dưới 16°C, rùa ở trong trạng thái ngủ đông, dưới 1°C, chúng có nguy cơ bị chết cứng. Có 2 phương pháp để xử lý vấn đề khi mùa đông tới đó là tăng nhiệt độ khu vực sống của rùa hoặc cho chúng ngủ đông. Nhưng phương pháp số 1 vẫn hiệu quả hơn vì mình thấy những chú rùa con khá yếu ớt, chúng khó có thể chống trọi với cái lạnh được.


Nước nuôi


Nước vô cùng quan trọng với rùa tai đỏ vì chúng ăn mồi hay bài tiết đều tiến hành dưới nước. Trong mùa hè, nước rất dễ biến chất, do đó nếu được các bạn nên thiết kế bộ lọc nước. Ngay sau khi rùa ăn nên xử lý sạch, tránh việc thức ăn thừa làm ôi nhiễm nguồn nước.


Thức ăn


Mặc dù rùa tai đỏ ăn tạp, nhưng chúng thiên về các loại mối sống hơn.  Các bạn có thể chuẩn bị  các loại thức ăn như sâu bột, thịt tươi, rau quả, nội tạng tươi … Kết hợp bạn có thể cho chúng ăn kèm các loại dưa quả, rau củ và thức ăn hỗn hợp, để tăng cường chất dinh dưỡng trong cơ thể chúng. Hàng ngày khi cho ăn nên làm đúng giờ, đúng địa điểm, như vậy sẽ tạo thành thói quen cho chúng và chúng ta cũng không mất quá nhiều thời gian.

Thời điểm cho rùa ăn thích hợp là là từ 10 – 14h, mùa hè thì các bạn có thể cho chúng ăn sớm hơn hoặc muộn hơn vì thời điểm này nhiệt độ không khí sẽ tăng cao rất nhanh.

Chú ý:

  • Khi cho rùa ăn tôm, các bạn nên loại bỏ phần vỏ cứng và càng tôm. Khi rùa lớn thì có thể cho ăn trực tiếp.
  • Trên lưng cá Diếc có 1 hàng xương rất cứng, nhất định phải chú ý gỡ bỏ. Cá bò song (một loại cá Da trơn), không nên cho rùa ăn loại cá này, chúng có nhiều xương dăm, khá nguy hiểm cho rùa.
  • Ốc sên có vỏ cứng và khó tiêu hóa, bạn nên đập vỡ vỏ ngoài và chỉ lấy phần thịt ốc để cho rùa ăn.
  • Dế mèn mới mua về không nên lập tức cho ăn, vì trong cơ thể chúng còn lưu lại một phần chì. Dùng rau quả nuôi trong vòng 2 ngày để giải độc trong cơ thể và tăng cường dinh dưỡng cho chúng rồi mới cho rùa ăn.


Một số câu hỏi thường gặp


Rùa tai đỏ có cắn người không?

Như ban đầu mình có nói, rùa tai đỏ khá thông minh, chúng sẽ phân biệt được chủ nhân của mình. Thường thì chúng sẽ không tấn công người nuôi, hơn nữa rùa tai đỏ khi còn nhỏ cũng khó tấn công con người, chỉ khi chúng trưởng thành.

Trong một số tính huống rùa tai đỏ có thể tấn công con người là khi người lạ sờ vào rùa, chúng có thể tưởng lầm tay họ là thức ăn. Chúng cũng có thể tấn công người nuôi khi chúng bị trầm cảm hoặc cáu gắt. 

Ngoài ra, trong thời kỳ động dục chúng có thể thay đổi tính nết. Vì vậy tiếp xúc với chúng trong thời gian này các bạn cần chú ý nhé..

Bị rùa Tai Đỏ cắn phải làm sao?

Mình thực sự cũng chưa bị chúng tấn công lần nào, nên cũng chưa có nhiều kiến thức về vấn đề này. Theo một số thông tin mình đọc được thì rùa tai đỏ là giống máu lạnh, khi bị chúng cắn không cần tiêm vắc-xin bệnh dại. Nếu vết cắn chảy máu các bạn nên vệ sinh sạch sẽ vết cắn, khử trùng để ngăn ngừa vết thương nhiễm trùng. Để yên tâm hơn các bạn có thể đi tiêm vắc-xin uốn ván.

Làm sao để phòng tránh rùa Tai Đỏ cắn

Tất nhiên là phải tránh những khu vực mà chúng có thể di chuyển chiếc đầu tới rồi. Những điểm đó là điểm nào? thứ nhất là hai bên cơ thể chúng, bạn không nên đặt tay lên trên khu vực này sẽ không có vấn đề gì. Tiếp theo nữa là khu vực cổ và bàn chân trước. Thường thì rùa tai đỏ khá là ít tấn công con người, khi đã quen người nuôi thì mình thấy trêu chúng cũng không ảnh hưởng gì. Nhưng để cho chắc ăn thì cứ nên phòng ngừa.

Ảnh tham khảo internet.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến