Các dòng cá mún - Cách nuôi cá mún hiệu quả

 

hinh-anh-ca-mun

Có nhiều người thích nuôi các loài cá cỡ lớn nhưng với mình thì mình lại thích nuôi những loài cá nhỏ. Bởi sao ư? thú thật là chúng dễ nuôi, giá thành rẻ, rất hợp với các loại bể cá thủy sinh. Hôm nay, mình xin giới thiệu với các bạn loài cá mún - Một loài cá kích thước nhỏ, kiếm ăn thành đàn rất đẹp mắt.


THÔNG TIN VỀ LOÀI CÁ MÚN


Đặc điểm loài cá mún


Cá mún là loài cá kích thước nhỏ, chúng có tên tiếng Anh là Platy fish chúng thuộc bộ Cyprinodontiformes (bộ cá sóc), họ Poeciliidae (họ cá khổng tước). Nói ra có lẽ mọi người sẽ rất ngạc nhiên, loài cá này có cùng dòng họ với cá bảy màu. Chúng được biết đến nhiều nhất ở Mexico và trung Mỹ. Được du nhập về Việt Nam và chiếm được cảm tình của người nuôi cá ngay từ những ngày đầu tiên. Hiện nay, chúng đã được nhân giống tại các trang trại cá cảnh, các bạn có thể dễ dàng tìm mua loài cá này. 

Cá mún có sức sống vô cùng mãnh liệt, chúng có thể sống trong các bể cá nhỏ mà không cần sử dụng oxy. Đặc biệt chúng lại thích ăn rong rêu trong bể. Nuôi loài cá này thì bể cá của bạn sẽ sạch sẽ hơn và ít phải vệ sinh hơn. Tuy nhỏ bé nhưng tuổi thọ của loài cá này lại khiến chúng ta đáng lưu ý. Một chú cá khỏe mạnh có thể đạt tuổi thọ 3 năm, tuy nhiên trong môi trường nuôi nhốt tuổi thọ của chúng có thể giảm sút ít nhiều.


Các loại cá mún đẹp trên thị trường hiện nay


ca-mun-do
Cá mún đỏ thoạt nhìn khá giống loài cá kiếm nhưng kích thước nhỏ hơn và cũng không có phần đuôi kiếm

ca-mun-hat-luu
Cá mún hạt lựu có kích thước nhỏ nhất trong các dòng cá mún, chúng chỉ như ngón tay út thôi các bạn ạ.

ca-mun-den
Cá mún đen hay còn được gọi là cá mún nhung. Cơ thể chúng gân như có màu đen, phần đầu và các viền ngoài có màu vàng óng hoặc vàng sậm.

ca-mun-panda
Được gọi là cá mún panda bởi dòng cá này có màu đen và trắng giống những chú gấu trúc panda.

ca-mun-uyen-uong
Cá mún uyên ương là loài cá khá đẹp. Nói thật mình cũng thích dòng này nhất, màu vàng  trong trẻo của chúng khiến bất cứ ai cũng phải ngắm nhìn. Ảnh thuysinhtim.vn

ca-mun-koi
Cá mún koi có thể được gọi là siêu phẩm vì chúng thực sự rất đẹp. Nhìn những chú cá mún trông như phiên bản nhỏ của cá koi vậy đó các bạn. ảnh: cacanhnho.com

Các từ khóa cũng được nhiều người tìm kiếm:

cá mún đuôi lửa

cá mún vàng đen

cá mún vàng

cá mún kim tiền

cá mún trắng

cá mún short


CÁCH NUÔI CÁ MÚN HIỆU QUẢ


Bể nuôi

Cá mún là loài cá dễ nuôi, chúng có thể sống ở mọi tầng nước, tuy nhiên các bạn cũng nên lưu ý về số lượng cá trong bể để sao cho hài hòa, không nên nuôi quá dày. Để bể cá phong phú các bạn có thể nuôi kết hợp với các loài cá cỡ nhỏ khác như: cá bảy màu, cá bình tích, đuôi kiếm,…

Cũng không cần thiết lắm nhưng để bể cá đạt chất lượng tốt thì mình nghĩ nên có máy theo dõi chỉ số PH, nhiệt độ và lượng oxy. Độ PH thích hợp là từ 7-8.5 (từ trung tính cho đến hơi kiềm), nhiệt độ thích hợp là 20-26 °C (68-79 °F). Cá mún cũng như các loài cá khác, chúng cũng có biên độ giới hạn, nếu nhiệt độ giảm xuống quá sâu ( dưới 16 độ C ) chúng sẽ biếng ăn và có thể chết, nếu nhiệt độ cao trên 34 Độ C cũng khiến chúng khó chịu và giảm sức đề kháng với các loại bệnh.

Đặc biệt bạn nên để trong bể cá các loại cây thủy sinh để cho cá có thêm nguồn thức ăn và có nơi để ẩn nấp, đặc biệt vào mùa sinh sản. Tuy nhiên, bạn cũng không nên lạm dụng mà cho quá nhiều cây, làm thu hẹp không gian hoạt động của chúng.

Thức ăn

Như mình có nói ban đầu, cá mún ăn cả rêu trong bể, chúng là loài ăn tạp, vì thế nếu các bạn nuôi cá trong bể thủy sinh có thể không cần cho chúng ăn cũng được. Với các bạn nuôi cá số lượng lớn thì có thể cho chúng ăn các loại thức ăn:

  • Thức ăn tươi: artemia, trùn chỉ (giun), sâu đông lạnh, artemia khô, trứng tôm, trứng tép, bobo (hồng trần)…
  • Thức ăn khô tổng hợp: aquafin, thức ăn khô như tép, cám công nghiệp, tomboy, tảo sprirulina…

Cho cá ăn thức ăn nhiều dưỡng chất chúng sẽ rất mau lớn, thế nhưng các bạn cần lưu ý đến tình trạng của thức ăn. Cần bảo quản thức ăn theo chỉ dẫn trên bao bì, không nên cho cá ăn các loại thức ăn đã bị meo mốc. Chỉ cho cá ăn với một lượng thức ăn vừa phải để chúng bơi lội kiếm ăn nữa như thế mới đẹp. Thức ăn thừa trong bể cần được loại bỏ ngay nếu không sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống của cá.

Cá mún sinh sản

Cá mún trưởng thành sau 4 tháng, thời điểm này các cô nàng cá đã sẵn sàng để giao phối và chúng sẽ giao phối với các con cá cùng giống nòi mà không phân biệt màu sắc. Tốc độ sinh sản của chúng cũng rất nhanh, vì thế các bạn đừng ngạc nhiên nếu một ngày tỉnh dậy thấy bể cá của mình có vô vàn chú cá con.

Cách phân biệt cá mún đực và cái cũng không đơn giản các bạn ạ vì chúng khá giống nhau, chỉ khác nhau về kích thước mà thôi. Vì thế các bạn phải quan sát thật kỹ, con đực thường có người dài, thon nhỏ hơn con cái, cái bụng cũng phẳng hơn trong khi cá cái thì bụng hơi tròn.

Dấu hiệu cá mún sắp đẻ khá rõ ràng, với cái bụng to tròn, phần hậu môn căng lên và có màu sậm đen. Ngoài ra bạn cũng có thể nhận thấy qua hành động của chúng khi chúng thích chui vào các hốc kín là lúc chúng đang tìm khu vực để đẻ. Có 1 mẹo nhỏ để kích thích cá đẻ đó là thay nước bể cá hoặc nhốt riêng cá cái vào khu vực tối.

Các mún là loài cá đẻ con, trung bình chúng có thể đẻ từ 20-50 con, lần đẻ đầu tiên thường ít nhất, những lần đẻ tiếp theo sẽ đẻ nhiều hơn tùy thuộc vào kích thước từng con cá. Để đảm bảo tỷ lệ sống sót của cá con thì các bạn nên tách riêng chúng sang bể khác ( nên tách cá mẹ trước khi chúng đẻ sẽ dễ hơn ). Khi cá mới đẻ bạn không nên cho cá ăn. Sau 3 ngày khi các chú cá con đã thích nghi thì có thể cho ăn bobo, artemia, trùn chỉ để chúng nhanh lớn.

Trên đây là một vài thông tin về loài cá mún. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp các bạn hiểu hơn về loài cá này. Và nếu như các bạn đang có ý định thiết kế 1 bể cá thì mình nghĩ cá mún sẽ là lựa chọn không tệ. Cảm ơn các bạn đã quan tâm và ủng hộ.

Nguồn sưu tầm. Ảnh internet

Nhận xét

Bài đăng phổ biến